Lễ Hằng thuận kết duyên vợ chồng
Cặp đôi Đăng Khôi - Thủy Anh cưới theo nghi lễ Phật giáo tại ngôi chùa trước đây nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tổ chức lễ Hằng thuận kết duyên vợ chồng. |
Sau lễ cưới ngày 13/11 tại Hà Nội, đôi uyên ương Đăng Khôi - Thủy Anh tiếp tục thực hiện nghi thức kết hôn tại chùa ở TP HCM. |
Sáng ngày 27/11, ca sĩ Đăng Khôi và Thủy Anh tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa Kỳ Quang 2, thuộc quận Gò Vấp, TP HCM. Trước đó Đăng Khôi đã quy y cửa Phật, nên đây là nghi thức cưới không thể thiếu. Đặc biệt, ngôi chùa này cũng là nơi nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tổ chức lễ Hằng thuận của mình.
Trong hôn lễ nơi của Phật của Nguyễn Văn Chung năm 2012, Đăng Khôi tới tham dự với tư cách là Phật tử tại chùa. Để đáp lại, nhạc sĩ cũng tới chúc phúc cho Đăng Khôi - Thủy Anh trong lễ Hằng thuận vừa qua. Không chỉ có Đăng Khôi, nhiều cặp đôi theo đạo Phật cũng chọn chùa là nơi tổ chức cưới.
|
Ngôi chùa Kỳ Quang là nơi được uyên ương chọn để làm lễ Hằng thuận vì Đăng Khôi đã quy y tại ngôi chùa này với pháp danh Quang Đức. Trong lễ Hằng thuận, Đăng Khôi và Thủy Anh được buộc dây tơ hồng với ý nghĩa gắn kết bên nhau. |
Theo tên gọi, "Hằng" là thường xuyên, luôn luôn, còn "thuận" là hòa thuận, đồng thuận hướng về những điều cao thượng, tốt đẹp trong đời sống. Vì vậy, ý nghĩa của lễ Hằng thuận là để vợ chồng ý thức được tầm quan trọng của hôn nhân, từ đó hướng đến cuộc sống gia đình hạnh phúc, êm ấm.
Đa số uyên ương chọn chùa đã quy y để làm lễ Hằng thuận. Nghi thức tổ chức lễ Hằng thuận có phần khác với nghi thức lễ cưới thông thường với trình tự cơ bản như sau:
- Chủ hôn tại chùa thường là một vị hòa thượng hoặc chư tăng. Nghi lễ diễn ra tại chính điện của chùa.
- Nơi làm lễ gồm một chiếc bàn dài, là nơi chủ hôn thực hiện nghi thức kết duyên. Cặp đôi sẽ quỳ trước bàn, hướng về nơi thờ Phật, làm theo chỉ dẫn của các vị hòa thượng chủ hôn. Bạn bè, người thân của cô dâu chú rể ngồi hai bên theo đúng quy cách "nam tả, nữ hữu" (nhà trai đứng bên trái, nhà gái đứng bên phải).
|
Đăng Khôi - Thủy Anh cùng thực hiện nghi thức 'Phu thê giao bái'. Cạnh đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung rạng rỡ chia sẻ hạnh phúc cùng đôi uyên ương. |
- Trước khi làm lễ, vị chủ hôn sẽ hỏi xem cô dâu, chú rể đã quy y chưa, nếu chưa thì thầy sẽ làm lễ quy y cho hai vợ chồng trước, rồi mới tới nghi lễ cưới.
- Cô dâu, chú rể đọc lời nguyện, sau đó nhận lời ban phước cũng như lời răn dạy của vị trụ trì buổi lễ. Hòa thượng chủ hôn sẽ buộc dây tơ hồng tượng trưng, với ý nghĩa gắn bó uyên ương trọn đời bên nhau.
- Tiếp đến là nghi lễ "Phu thê giao bái", cô dâu, chú rể trao nhẫn cưới và cùng nhau nghe sư thầy chủ trì nói về ý nghĩa của việc trao nhẫn.
- Cùng với uyên ương, đại diện hai bên gia đình sẽ hứa trước tượng Phật và các vị chư tăng về việc chỉ bảo cho cặp đôi mới cưới nên duyên, xây dựng gia đình hạnh phúc.
|
Sau nhiều nghi thức của lễ Hằng thuận, các sư thầy chính thức công nhận Đăng Khôi - Thủy Anh đã thành vợ thành chồng. |
- Sau khi buổi lễ tại chính điện kết thúc, nhiều gia đình mời các vị chư tăng cùng họ hàng và bạn bè dự tiệc chay. Thông thường, bữa tiệc này sẽ được tổ chức ngay tại chùa với các món ăn đều được chế biến từ thực vật như nấm, mộc nhĩ, khoai, đậu phụ, ngũ cốc...
|
Năm 2012, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa Kỳ Quang 2. Khi đó, Đăng Khôi (mặc áo hồng) cũng tới dự ngày vui của chàng nhạc sĩ điển trai. |
Việc tổ chức trong chùa cũng sẽ đem lại cho cô dâu, chú rể một lễ cưới trang nghiêm, đáng nhớ. Ngoài ra, việc tổ chức cưới với tiệc chay hoàn toàn, không có bia, rượu vừa giúp gia đình theo đạo Phật tránh khỏi việc sát sinh, đồng thời có lợi cho sức khỏe của gia đình và quan khách hai bên.
asdfLinh Linh - ngoisao.net