Khác biệt về tiệc cưới ở hai miền Nam - Bắc
Những sự khác biệt trong cách đãi tiệc ở miền Bắc và miền Nam có thể gây ra sự bối rối cho khách khi dự tiệc khác miền, hoặc dành cho cặp đôi về làm dâu, làm rể khác miền. Uyên uyên ương cần hỏi kỹ phụ huynh về đám cưới hoặc tham khảo những vấn đề khác nhau cơ bản mà Ngoisao.netđưa ra dưới đây.Những sự khác biệt trong cách đãi tiệc ở miền Bắc và miền Nam có thể gây ra sự bối rối cho khách khi dự tiệc khác miền, hoặc dành cho cặp đôi về làm dâu, làm rể khác miền. Uyên uyên ương cần hỏi kỹ phụ huynh về đám cưới hoặc tham khảo những vấn đề khác nhau cơ bản mà Ngoisao.netđưa ra dưới đây.
1. Thời điểm tổ chức
- Miền Nam thường đãi tiệc cưới vào buổi tối cuối tuần, hầu như không đãi tiệc buổi trưa vì quan niệm buổi trưa thời gian gấp gáp, mọi người khó đến chung vui thoải mái. Lễ rước dâu của các uyên ương miền Nam có thể làm trước vào ngày đẹp trong tuần hoặc từ sáng sớm trước đó.
- Miền Bắc lại chủ yếu đãi tiệc cưới vào buổi trưa ngày trong tuần vì cho rằng như vậy sẽ tiện cho khách, nhân dịp đi làm sẽ ghé qua đám cưới chung vui.
2. Thời điểm gửi thiệp mời
- Vì thời gian tổ chức tiệc cưới ở miền Nam hạn chế, chỉ diễn ra cuối tuần nên cô dâu chú rể phải mời khách trước ít nhất 2 tuần để khách sắp xếp thời gian. Ngoài ra một số quan niệm cho rằng gửi thiệp sớm cũng thể hiện sự tôn trọng khách. Ngoài ra, đám hỏi ở miền Nam có thể diễn ra trước cưới vài tháng, nên thiệp mời có thể gửi sớm, chỉ cần sau ăn hỏi.
- Ngược lại, lễ ăn hỏi miền Bắc đa phần diễn ra gần đám cưới, chỉ cách khoảng 1-2 tuần hoặc tối đa một tháng. Vì vậy thời gian uyên ương thường gửi thiệp trước đám cưới một tuần vừa vì ăn hỏi gấp gáp và cũng vì sợ khách không nhớ ngày cưới. Thậm chí nhiều người mời khách chỉ 2-3 ngày trước đám cưới.
3. Tính chất cơ bản của tiệc cưới
- Đám cưới miền Nam là dịp khách mời xúng xính tới dự tiệc chung vui. Hầu hết khách đều diện trang phục, trang điểm cầu kỳ, để vừa tới dự tiệc, vừa chụp ảnh lưu niệm với cô dâu chú rể.
- Đám cưới truyền thống ở miền Bắc là dịp khách mời đi ăn tiệc. Đám cưới miền Bắc đặt nặng về cỗ, nhiều người còn coi đó là dịp "trả nợ". Mọi người không quan tâm nhiều tới cô dâu chú rể hay nghi lễ mà chú trọng vào dự tiệc.
4. Thời gian đón khách
- Ở miền Nam, vì uyên ương muốn dành thời gian cho khách gặp gỡ người quen biết, chia sẻ cùng cô dâu chú rể và chụp ảnh, nên thời gian mời khách tới thời gian tổ chức nghi lễ khá dài. Uyên ương có thể đón khách từ 17h, sau đó tới 19h mới làm lễ thành hôn.
- Ở miền Bắc, thời gian đón khách và nghi lễ chính thức thường ngắn. Ví dụ nếu thiệp mời ghi đón khách 17h30 thì 18h cô dâu chú rể sẽ thực hiện nghi lễ cưới. Thậm chí nhiều đám cưới mời buổi trưa thường mời sớm, từ 10h30 đến 11h.
5. Khi đãi tiệc
- Trong đám cưới miền Nam, tiệc thường chỉ bắt đầu khi lễ thành hôn kết thúc, cô dâu chú rể bắt đầu đi chào khách ở các bàn thì các món ăn mới được mang lên.
- Với đám cưới miền Bắc, khách mời tới sẽ được mời vào bàn tiệc và các món ăn thường được mang ra phục vụ ngay trước giờ cử hành hôn lễ. Điều này dẫn đến một việc không đẹp là khách mời chỉ chăm chú dùng tiệc mà quên không chú ý tới sân khấu chính nơi cô dâu chú rể đang hành lễ kết hôn.
Uyên ương không nhất thiết phải tuân thủ đúng theo những điều lối mòn quen thuộc vì tiệc cưới là để tri ân khách mời và là ngày vui của uyên ương. Bạn có thể thay đổi những điều chưa thích hợp để tiệc thêm vui, ví dụ ở miền Bắc, tiệc nên bắt đầu khi uyên ương đã cử hành hôn lễ, hoặc với tiệc ở miền Nam, thời gian chờ đợi từ giờ đón khách tới giờ tiệc nên giảm xuống để khách không phải chờ đợi lâu.
asdf - ngoisao.net